top of page
Tìm kiếm

MÂY TRE ĐAN - CÂU CHUYỆN CỦA SỰ BẮT ĐẦU

  • Ảnh của tác giả: Nhien. concept
    Nhien. concept
  • 17 thg 5, 2024
  • 3 phút đọc

Người xưa thường ví “Hay làm nghề hát, mạt làm nghề đan” để nói lên nỗi vất vả nhọc nhằn, lấy công làm lãi của nghề đan lát.


Cũng chẳng ngoa khi gọi làng nghề mây tre đan Phú Vinh, xã Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) là “xứ mây”. Một phần bởi làng nghề đã có thâm niên hơn 400 năm lịch sử, phần khác vì nơi đây là xứ sở của mây tre, là nơi quy tụ những “bàn tay lụa” khéo léo bậc nhất Hà Nội.



Làng cổ, nghề xưa

Theo các cao niên trong làng kể, nghề mây tre đan có ở nơi đây từ những năm 1700. Làng Phú Vinh ban đầu có tên Phú Hoa Trang, dịch nôm thì còn có ý là ngôi làng được trời phú cho người dân có bàn tay khéo léo. Vào năm 1800, Phú Hoa Trang đổi tên thành làng Phú Vinh. Có người cắt nghĩa cái tên đó là phú quý và vinh hiển, nhưng có người lại cho rằng tên gọi Phú Vinh là chỉ hậu vận, sự đi lên và trường tồn của làng nghề.

Không rõ tích làng, tên gọi và các mốc lịch sử được lưu truyền có thực sự chuẩn xác hay chỉ là ước lượng. Thế nhưng, cho đến nay, có một điều không thể phủ nhận là những người sinh ra ở mảnh đất này đều có tố chất đặc biệt về đan lát. Có gia đình đã vài thế hệ liền theo nghề, hoặc các anh chị em đều làm nghề. Cha truyền con nối, dần dần nghề mây tre đan trở thành nghề truyền thống của làng.



Những "kĩ nghệ" chỉ có ở Phú Vinh

Nghề đan lát cũng có khuôn mực của nó. Chẳng hạn, để làm ra một sản phẩm tốt thì không thể thiếu khâu phơi sấy và chẻ mây. Chẻ mây, thoạt nghe tưởng chừng đơn giản, chỉ cần kề con dao nhỏ là có thể tách sợi. Ấy nhưng không, đây là khâu đòi hỏi sự tỉ mẩn, công phu. Nếu chẻ cây mây nhỏ làm tư, làm sáu thì chẻ cây to hơn sẽ làm bảy hoặc chín sợi. Khi mây được chẻ xong, loại sợi nhỏ có thể dùng để làm những loại hàng quý, sợi to dùng để đan cạp, gia cố sản phẩm.

Khi đã có nguyên vật liệu thì còn cần kỹ thuật đan, cài để tạo nên sản phẩm. Với những người làm nghề, có một quy luật bất thành văn khi đan những sản phẩm như dần, thúng bằng tre là nếu người thợ đã đan lóng mốt thì chỉ được bắt nan lóng mốt, đan lóng đôi chỉ được bắt đều lóng đôi. Nếu bắt sang lóng ba, lóng tư là sản phẩm bị lỗi. Với đan mây cũng vậy, khi đan chân dung, đã bắt năm thì phải đè năm, không thể chểnh mảng bắt sáu hoặc bốn... Dĩ nhiên, đó là những kỹ thuật cơ bản, với những người hành nghề lâu năm thì việc đan cũng tựa như họa sĩ ngồi vẽ tranh vậy. Chỉ qua hai màu trắng và đen của sợi mây, những nghệ nhân sẽ không bị bó hẹp trong các kỹ thuật cơ bản mà họ sẽ sáng tạo để làm nên những nét chân dung, những hình ảnh núi đồi trập trùng phóng khoáng và đẹp đẽ.



Nhắc chuyện nghề, nhắc đến thương hiệu Phú Vinh của làng, nghệ nhân Nguyễn Văn Trung chia sẻ, “bí quyết” để sức sống nơi đây không lụi tàn hoàn toàn xuất phát từ việc những người làm nghề chăm chút và làm ra sản phẩm bằng trái tim yêu nghề. Mỗi sản phẩm nơi đây, từ cái nơm, cái vó, cái mủng, cái giỏ xưa kia và đến nay là những chiếc lồng bàn, bức tranh, túi xách làm từ mây tre đều kết tinh sức sáng tạo, sự cần cù của người làng. Sự bền bỉ bám nghề và sáng tạo không ngừng ấy đã giúp nhiều thế hệ người làng trụ được với nghề truyền thống, giữ vững tình yêu với những món đồ thủ công mây tre đan mộc mạc.


Câu nói của người xưa truyền lại “Yêu nghề thì nghề chẳng phụ”, có lẽ chẳng sai.

 
 
 

Comments


bottom of page